Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN!

Tôi đã từng chia sẻ trên blog rằng “Hạnh phúc của người cầm bút là tác phẩm của mình được đón nhận và chia sẻ”. Và cuối tuần vừa rồi, tôi thật bất ngờ, thật hạnh phúc khi nhận được bài cảm nhận của thầy giáo Nguyễn Xuân Trường (công tác tại Pleiku) về cuốn sách đầu tay của tôi - cuốn "Loa kèn trắng đợi anh".


Cầm trên tay cuốn tản văn có lời đề tặng rất cẩn thận “Kính tặng anh Trầm Hương và gia đình”, tự dưng tôi nảy ra một suy nghĩ: Lâu lắm rồi mình chưa từng đọc sách, hay là nhân dịp này mình thử trở lại với thói quen cũ, vừa là để nghỉ ngơi nhưng cũng vừa là để cảm nhận về những trang viết của một người bạn mới quen xem sao! Và thế là tôi bắt đầu đọc.

Đúng với tên gọi của món quà mà tôi nhận được, cuốn sách của em là sự tập hợp của rất nhiều tản văn ngắn. Vì là tản văn nên mỗi bài viết thường không dài, chỉ khoảng 2-3 trang giấy, nhưng có thể nói mỗi trang viết ấy lại giống như một bức họa nho nhỏ về cuộc sống của con người. Từ kỷ niệm về một chiếc tủ đồ chơi của thời bao cấp đến những mẩu giấy gửi gắm yêu thương; từ một cuộc gặp gỡ vô tình của một anh lái xe ôm đến việc quen nhau trên trang mạng… tất cả đều được em tái hiện một cách sinh động.

Nếu chưa đọc và cảm nhận một cách trực tiếp những trang viết của em mà chỉ nghe những gì tôi mô tả, có thể ai đó sẽ thốt lên rằng: Ôi dào! Toàn những chuyện thường ngày ở trong cuộc sống chứ có gì là lạ đâu! Nhưng khi tận mắt được đọc và cảm nhận thì hẳn mỗi người có thể sẽ ngỡ ngàng và nhận ra rằng: Ồ! Qua lăng kính, qua sự cảm nhận của cây bút trẻ như em thì xem ra cuộc sống quanh ta dù quen thật đấy nhưng vẫn có những bất ngờ, đáng yêu và còn có nhiều điều để suy ngẫm lắm!

Thật vậy! Mấy ai có thể ngờ được rằng những mẩu giấy tưởng như vô tri vô giác, nhưng thông qua cách dẫn dắt của tác giả, những mẩu giấy ấy lại chính là những vật kết nối yêu thương và góp phần làm cho tâm hồn mỗi con người như “mềm” hơn, dịu dàng hơn trước những tất bật của cuộc đời. Nhưng càng mềm lòng bao nhiêu, đôi lúc người đọc sẽ lại càng cảm thấy xót lòng bấy nhiêu trước những cách ứng xử phũ phàng của cuộc sống, hay nói đúng hơn là trước lối sống gấp, thực dụng của một vài người bạn tưởng như thân thiết lắm ở quanh mình.

Không xót lòng sao được khi một người tưởng như là bạn nối khố chơi với mình chỉ vì “lỡ có việc gì đó cần nhờ”?! Nhưng càng xót lòng vì cách hành xử của ông bạn trong “Vị khách đặc biệt” bao nhiêu, người ta lại càng cảm thấy cảm phục và bất ngờ về về cái tình của người lái xe ôm trong “Tình người giữa đêm đông” của tác giả bấy nhiêu. Như một thói quen xấu, người ta sẵn sàng mặc cả từng đồng mỗi khi cần phải trao đổi mua bán một cái gì đó. Nhưng khi nhận thấy tiền không phải là tất cả thì tình người (dù chỉ là cái tình của những người chưa quen biết) đã thắng thế.
Với lối kể nhẹ nhàng xen lẫn với nghệ thuật “đảo ngược tình huống hai lần”-một nghệ thuật đã góp phần tạo nên phong cách của nhà văn Mỹ O’ Henry, nữ tác giả trẻ đã không ít lần tạo được sự bất ngờ cho người đọc. Thông qua lối dẫn dắt “gói kín, mở nhanh” của em, có những câu chuyện kết thúc một cách xót xa như: “Vị khách đặc biệt”, “May mắn”, “Mưa buốt”…, nhưng cũng có những câu chuyện phải đợi đến tận những dòng cuối cùng như: “Một lần mất điện”, “Lệ phòng”, “Chiếc bếp ga”…cảm xúc của người đọc tưởng như bị ghìm nén mới có dịp để vỡ òa vì sung sướng, nghẹn ngào.

Nhưng tản văn của em không chỉ có vậy. Dù được kể với giọng điệu nhẹ nhàng, thậm chí “hơi hiền” (như lời em nói), thì những câu chuyện em kể vẫn đủ để nhiều người khi đọc cảm thấy thấm và ngấm về những triết lý được em khéo léo gửi gắm bằng những câu chuyện ngắn nhưng rất có chiều sâu của mình. Quả đúng là như thế, nếu ai đó vô tình trượt ngã, nhờ có sự trợ giúp của người khác, người ấy có thể đứng dậy, hoặc đơn giản hơn là người đó có thể tự đứng lên mà chẳng cần phải có ai giúp. Nhưng có những cú ngã do con tim "đập loạn nhịp" và do chính mình gây ra thì không ai có thể đỡ ta dậy được, trừ khi chính ta tự đứng dậy mà thôi. (xem thêm “Ngã” - trang 94).
Cũng xin được nói một chút về truyện ngắn mà em quyết định chọn để làm tiêu đề cho tập sách của mình-“Loa kèn trắng đợi anh” là một kiểu truyện lãng mạng nhưng pha chút buồn rất hiếm thấy của nhịp sống hiện đại. Thay vì một cái “nhấp chuột” hoặc một cú điện thoại, cô gái trong câu chuyện hoàn toàn có thể có được những thông tin cần thiết về người bạn của mình. Nhưng em-nữ tác giả trẻ lại lựa chọn cho cô gái ấy một cách giải quyết khác, để rồi người con gái ấy cứ mãi chờ và hy vọng về một ngày nào đó chiếc bình gốm sứ mà cô đã nhờ mua ở tận Bát Tràng sẽ được dùng để cắm những bông hoa loa kèn trắng mà người con trai chưa một lần gặp mặt hứa trao tặng. 

Lẽ ra câu chuyện đã có thể kết thúc theo một cách đơn giản hơn, rõ ràng hơn nhưng dường như đây chính là cách mà em - nữ tác giả trẻ đã chọn. Sự chờ đợi có thể là vô vọng của người con gái trong câu chuyện đã phần nào gợi mở cho mỗi chúng ta về một niềm tin ở trong cuộc sống. Và đúng thế thật, ngoài tình người, “niềm tin” và “hy vọng” là hai vật phẩm vô hình cần có trong suy nghĩ của mỗi con người. Nó chính là nguồn sức mạnh giúp mỗi chúng ta vượt qua những khó khăn trở ngại ở trong cuộc sống trước mắt và cả những năm tháng sau này.

…Dù đã từng có những giải thưởng trong việc cho ra đời những câu chuyện tình yêu và được đăng tải trên nhiều trang báo, nhưng vì “Loa kèn trắng đợi anh” là tập sách đầu tay của em -nữ nhà văn trẻ, nên trong quá trình thể hiện vẫn còn đó những hạn chế về cách thể hiện, hoặc đâu đó vẫn còn một vài cách dùng từ chưa thật “đắt”, nhưng xét một cách tổng thể thì rõ ràng đây là một tập sách đáng để mọi người đón nhận.


Một ngày cuối tuần nữa lại đến, ai cũng muốn tìm cho mình một cách giải trí, thư giãn để giảm bớt những căng thẳng sau một tuần làm việc đầy mệt mỏi. Vậy tại sao chúng ta không chọn cho mình một cách thư giãn, một trải nghiệm mới bằng cách hãy thử một lần đến với “Loa kèn trắng đợi anh” - một cuốn sách được trình bày khá trang nhã cùng lối viết nhẹ nhàng, sâu lắng của nữ tác giả Diệu Thu.

(Nguyễn Xuân Trường - Pleiku)

6 nhận xét:

  1. Cảm nhận bao gồm những ưu và những cái chưa đạt đuợc. Đó cũng là niềm hạnh phúc thật lớn cho nguời cầm bút. Anh rất hi vọng và tin tuởng em sẽ tiếp tục tiến xa hơn hơn trên con đuờng nghệ thuật. Thật sự là nhà văn trẻ đi vào lòng nguời đọc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi vậy là anh đã vào được blog của em ? Lúc anh nhắn tin không vào được blog, em lo quá! Em cảm ơn anh nhiều nha! Cuối tuần này em sẽ gửi sách tặng anh. Anh đợi nha anh!

      Xóa
  2. Anh vào bằng điện thoại. Nên đọc bài viết hơi khó tí. Hihi em vui.

    Trả lờiXóa
  3. Chúc mừng đứa con tinh thần đầu tiên của em! :)

    Trả lờiXóa
  4. bài loa kèn trắng nì là bài đầu tiên mình đọc ở nhà nàng. chúc mừng nàng nhá.

    Trả lờiXóa
  5. Khi viết “Đôi dòng cảm nhận” về cuốn tản văn “Loa kèn trắng đợi anh”, tôi không nghĩ bài của mình sẽ được Diệu Thu đem về trưng bày trong ngôi nhà Blog rất đẹp của mình. Theo đường dẫn mà Diệu Thu để lại, tôi tìm đến và có cảm giác mình cứ như một anh chàng lấm lem bùn đất, bỗng một ngày nào đó được mời đến ngồi ở ngay chính giữa của một biệt thự sang trọng vậy.
    Ngại quá, nhưng tôi cũng phải thầm cảm ơn vì em đã tặng tôi một món quà rất hay và ý nghĩa. Không chỉ có vậy, bởi biết đâu nhờ vài dòng cảm nhận sơ sài của mình được “trưng bày” ngôi nhà của em, mà tôi sẽ có dịp được làm quen, giao lưu, học hỏi từ rất nhiều blog khác thì sao?

    Trả lờiXóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh

Từ giờ cả nhà có thể gửi kèm lời comment có cả icon, ảnh hoặc video nhé!
- Cách chèn icon: Mỗi ký tự tương ứng với mỗi icon. Bạn chỉ cần gõ ký tự là sẽ có ngay icon nhé!
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]
- Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]
---------------------------------------
Nếu chèn nhạc và video xin vui lòng bỏ chế độ : auto play !
Nếu chèn ảnh: Nháy chuột phải vào ảnh định chèn chọn: sao chép URL ảnh, sau đó bôi đen hai chữ: (link hình), dán vào, nháy chuột trái vào : xuất bản là OK ! Các bạn hãy làm thử, chúc thành công ! Xin cảm ơn !

.


Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang