Tháng trước, chị được mời cộng tác cho trang thơ của một tờ
báo, 1 tháng viết 2 bài, đăng vào tuần đầu tiên và tuần thứ ba trong tháng. Chị
vui lắm! Háo hức lắm! Mà cũng lạ, mười mấy năm liền được mời làm cộng tác viên
cho vài tờ báo, thì cũng mười mấy năm chị mang trong mình cái cảm xúc háo hức,
hồi hộp chờ đợi ngày bài của mình được đăng.
Thi thoảng cũng có những bài thơ được chọn và đăng tải,
nhưng đây là lần đầu tiên chị được mời cộng tác với “mảng”… thơ. Sáng thứ sáu -
ngày tờ báo đó phát hành, chị ra sạp báo quen thuộc định mua 1 tờ nhưng họ
không bán. Vòng qua mấy sạp nữa cũng không có hàng nào bán. Đang tiu nghỉu vì
không biết “đứa con tinh thần” của mình sẽ được đăng ở trang nào, có bị đổi sửa
đổi gì không, chị chợt nhớ ra ở cơ quan chị cũng đặt báo đó cho một số phòng
trong cơ quan. Vội qua gặp anh thường trực, chị mượn tạm một tờ, lật lật, giở
giở, ngắm nghía một lúc chị mới lấy chiếc điện thoại di động ra chụp ảnh “đứa
con tinh thần”. Anh thường trực thắc mắc “Tôi tưởng tòa soạn báo sẽ gửi báo biếu
cho chị chứ?” “Vâng, nhưng nếu chờ báo biếu thì lâu lắm, em đang háo hức muốn
được xem ngay cơ! Cảm ơn anh nhiều nhé!”.
Tuần 1 qua, tuần 2 tới, rồi cũng đến tuần thứ 3 trong tháng,
chị lại được đăng thơ nhưng đúng dịp chị đi công tác hai ngày. Biết là báo đã
chuyển cho các phòng nên sáng thứ hai đầu tuần, vừa đến cơ quan, chị sang luôn
phòng Kinh doanh hỏi mượn tờ báo. Anh trưởng phòng Kinh doanh niềm nở chỉ vào
chồng báo trên bàn làm việc “Đây em cứ thoải mái tìm nhé! Thích tờ nào em cứ lấy,
anh kỷ niệm em luôn!”. “Được thế thì còn gì bằng ạ!” - chị mừng rỡ, nhưng bỗng
chợt sững sờ, ngỡ ngàng khi chồng báo dày cộp của anh trưởng phòng Kinh doanh vẫn
còn “nguyên đai, nguyên kiện”. Cả tập báo từ tháng 7 đến giờ vẫn chưa thấy ai đọc,
vẫn mới toanh. Tìm một hồi lâu vẫn không thấy tờ báo thứ sáu tuần trước đâu. Chợt
anh trưởng phòng bỗng “à” lên một tiếng “Thôi chết rồi, hôm thứ sáu, đang
cầm mấy tờ báo thì cô Hạnh ở phòng Tài vụ hỏi xin ít báo cũ, sẵn cầm trên tay,
anh đưa luôn cho cô ấy rồi! Chứ nói thật, công việc bây giờ thì nhiều trong khi
báo mạng bây giờ lại nhan nhản, thời gian đâu để bọn anh ngâm với chả cứu mấy tờ
báo ấy nữa cơ chứ!...”
Chị lại sang phòng Kế hoạch, rồi phòng Tổng hợp hỏi mượn
báo. Có phòng thì “Bọn mình vừa cho cô Lệ tạp vụ để bán đồng nát”, có phòng thì
“Chị Tâm xin để làm kế hoạch nhỏ cho con rồi!”. Đang lững thững đi từ tầng 5 xuống,
chị gặp cô Lệ tạp vụ đang khệ nệ bê chồng báo cao ngất ngưởng. “Ôi đây rồi!” -
chị mừng rỡ khi nhìn thấy tờ báo có đăng bài thơ của chị. Mà không chỉ một tờ,
những 3 tờ nhé! “Chị Lệ, chị cho em xin 3 tờ này nhé! Có thơ của em, may quá,
may quá!”.
Nhìn chồng báo mới tinh mà các phòng “tặng” cho chị Lệ tạp vụ,
chị thấy xót xa làm sao! Lãng phí làm sao! Đúng là chỗ cần thì không có, trong
khi chỗ có lại chẳng cần. Một tờ báo đến được tay độc giả phải qua biết bao
nhiêu “công đoạn”, mất biết bao công sức của bao nhiêu con người, vậy mà, chỉ
trong tích tắc, những tờ báo ấy lại trở thành những đống giấy lộn bán cho đồng
nát. Chị ngậm ngùi nhớ lại thuở niên thiếu.
Ngày ấy có được 1 tờ báo để đọc là quý lắm, phải đọc bằng hết
các mục, các trang, đọc ở mọi lúc, mọi nơi. Đọc như thể chưa bao giờ được đọc vậy.
Nhớ lại cảnh từng người chuyền tay nhau đọc đến nỗi những tờ báo chỉ được làm bằng
loại giấy mủn chỉ như muốn tả tơi trong con mắt nhìn chăm chú của những độc giả
mà chị cảm thấy thương cho những tờ báo ngày nào. Như có cùng sự đồng cảm với
chị, ngày ấy dù bận nhưng bố chị vẫn dành thời gian để đóng cho chị một chiếc
giá để báo. Chỉ đến khi gần như thuộc làu làu những bài viết, hoặc đến khi
không còn chỗ để cất giữ nữa chị mới chấp nhận đem những trang báo ấy ra để bọc
sách vở hoặc bán cho bà đồng nát.
Rồi năm tháng cứ lặng lẽ trôi. Trước sự phát triển không ngừng
của xã hội trong đó có sự phát triển của các loại báo mạng, chẳng riêng gì chị
cảm thấy mừng mà hầu như rất nhiều người đều cảm thấy hào hứng. Nhưng nghĩ và
nhớ về một vài tờ báo in bị không ít người vất lăn lóc chị lại cảm thấy tiếc
cho công sức của biết bao con người đã kỳ công, bỏ bao tâm huyết để cho ra đời
những trang báo ấy. Phải chăng chị lạc hậu hay “Văn hóa đọc” của nhiều người đã
dần thay đổi?
Diệu Thu
Đọc xong bài viết của em thấy xót xa thế nào ấy -Pink ơi-
Trả lờiXóaChiều bình an nhé
Thương và tiếc biết bao cho những bài báo, tờ báo đó em ơi!
Trả lờiXóaGiống như em, anh cũng quý sách báo nói chung và quý những bài thơ, bài báo của mình được đăng lắm. Anh cũng từng cộng tác với nhiều báo và đã có hàng trăm bài thơ được đăng rải rác từ mấy chục năm nay. Song quê anh ở xa trung tâm thị trấn, thị xã nên ko dễ tiếp cận với các cơ quan bưu điện phát hành báo chí. Mình cũng ko có điều kiện đặt mua các tờ báo nơi tòa soạn mình cộng tác thường xuyên nên ko theo giõi đc. ( Trừ một số Tòa soạn ruột họ cấp cho mình báo biếu quanh năm ). Vì vậy nhiều khi mình có bài in mà ko biết. Báo biếu gửi cộng tác viên thường ko đầy đủ, thất lạc hoặc về quá muộn. Vì vậy nhiều khi mãi lâu sau tình cờ bạn bè đọc đc bài của mình rồi họ nhắc lại và khen thì mình mới biết mình có bài đc đăng. Hiii... Nhưng lúc đó vì quá lâu rồi nên mình muốn mua hoặc lùng tìm cũng khó. Thế là đt cho Tòa soạn, hoặc đến các thư viện văn phòng cơ quan để hỏi xin. Ở đấy báo chí chất đống nhưng hàng tuần người ta đều thanh lý thành giấy loại hết. Tuy nhiên nhờ kiên trì, có khi gọi điện cho cả bạn bè người thân ở Hà Nội, Sài Gòn để tìm tờ báo "của mình" nên anh đều sưu tập đc hầu hết các tờ báo, tạp chí có bài in của mình từ thập kỷ bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước đến nay làm bảo tàng và quý nó vô cùng...
Đọc bài viết của em, Anh rất thấu cảm và chia sẻ nên viết đôi dòng bày tỏ với em. Chúc em luôn khỏe vui và dạt dào sức viết trẻ trung nhé!
Thật buồn em nhỉ.
Trả lờiXóaĐêm tuơi hồng em nhé.