Nhân “Ngày của cha”, con gái cha xin gửi tới cha hai bài viết con viết tặng riêng cha. Con kính chúc cha luôn luôn mạnh khỏe, luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mẹ con, của con và của các con con, cha nhé!
Hai chiếc ghế
Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng với những đồ chơi, vật dụng do bố tôi tự chế tạo. Nào cái xe đạp 3 bánh có thể chở được 4 đứa trẻ con, nào cái cũi, cái ghế ngồi xe đạp, chiếc võng dù do bố tôi tự tết, chiếc quạt nan be bé do bố tôi tự đan, xe cần cẩu đồ chơi, xe đạp đi trên dây đồ chơi…
Khi tôi vào cấp 1, rồi lên cấp 2, mẹ tôi luôn tự hào khoe với hai chị em tôi “Bố các con cừ lắm nhé! Tất cả đồ đạc trong nhà là bố con sáng chế ra đấy!” – tủ, giường, bàn, ghế, xô, chậu, nồi, bếp dầu… Khi thì bố tôi là thợ mộc, lúc lại thợ nề, có khi lại là thợ cơ khí…
Mọi đồ vật trong nhà bị hỏng, bao giờ bố tôi cũng quyết sửa bằng được. Lúc nào bố tôi cũng luôn chân luôn tay. Cái đèn điện không sáng, cái quạt máy bị kêu, cái công tắc điện bị hở, cái vung bị cong, cái áo bị hỏng phéc mơ tuya, cái nồi cơm điện bị ít hơi… Vừa phát hiện ra sự cố gì là bố tôi lại tỉ mà tỉ mẩn sửa sửa chữa chữa. Mẹ tôi cười đùa “Thế này thì các hàng điện tử, điện lạnh,… ê sắc ế mất thôi!”.
Cũng chỉ vì sự khéo tay và hay lam hay làm của bố mà một lần tôi đã đưa bố mẹ tôi vào một hoàn cảnh không mấy vui vẻ. Ngày đó, tôi vừa học xong lớp 5, thi vào lớp chọn bị thiếu 1 phần 4 điểm. Tôi thấy mẹ tôi kể lại là khi ấy không có chuyện chạy trường chạy lớp, cửa trước cửa sau gì đâu, chỉ có các phụ huynh học sinh đến gặp Ban giám hiệu để cam kết này nọ. Hôm đó, cô Hiệu trưởng đang tiếp các phụ huynh học sinh có con bị đúp. Sau khi được cô Hiệu trưởng xem xét, mỗi phụ huynh có con bị đúp phải nhận sửa một chiếc ghế giáo viên (thời hạn sửa chưa đầy một ngày). Mẹ tôi đánh liều xin cô Hiệu trưởng cho gia đình tôi được sửa hai chiếc để xin cho tôi được vào lớp chọn. Cô Hiệu trưởng nhìn mẹ tôi ngạc nhiên vì việc sửa ghế chỉ dành cho các phụ huynh có con học kém, còn trường hợp của mẹ con tôi là xin vào lớp… chọn. Sau một hồi nài nỉ, mẹ tôi cũng được cô Hiệu trưởng đồng ý. Thế là tối đó, bố tôi hì hục đục đục, đẽo đẽo, đóng đóng… dù gì thì cũng phải xong để sáng sớm mai mang nộp sớm cho nhà trường.
Sáng hôm sau, bố mẹ tôi, mỗi người bê một chiếc ghế đến trường, tôi hí hứng đi đằng sau. Tôi nhớ như in lúc đi từ cổng trường vào phòng Giám hiệu, rất nhiều tiếng xì xào, chỉ trỏ “Eo ôi, khiếp quá! Nhà ông bà kia có hai đứa con bị đúp cơ à?”. Bố mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, cứ thấy nghèn nghẹn trong cổ họng.
Gần 30 năm đã trôi qua, giờ đây tôi đã là mẹ của hai con, một cháu học cấp 2, một cháu học cấp 1. Mỗi khi đưa các con về thăm ông bà ngoại, tôi không quên nhắc lại chuyện “hai chiếc ghế” thuở nào. Hai con tôi nhao nhao hỏi ông bà “Hồi đó, chắc ông bà xấu hổ lắm nhỉ vì có hẳn hai đứa con bị đúp”. Bố tôi cười hiền từ “Thiên hạ họ nghĩ gì, kệ họ, ông chỉ quan tâm đến hai đứa cháu yêu của ông đây này. Vừa ngoan, vừa giỏi, ông hãnh diện lắm!”. Hai đứa con tôi lại bảo “Ông ơi! Chúng cháu tự hào vì có một người ông tuyệt vời như ông! Mấy hôm nữa ông rảnh, ông sang sửa dùm ông bà nội cháu cái quạt cây nhé ạ! Cả cái ô tô điều khiển của cháu nữa, nó không đi lùi được ông ạ!”.
- Diệu Thu-
----------------------
Nhà cấp 4
Dễ đến 20 năm rồi, giờ tôi mới có dịp trở lại khu tập thể mà gia đình tôi đã từng ở đó khá lâu, với biết bao kỷ niệm của một thời ấu thơ. Dãy nhà cấp 4 không còn nữa, thay vào đó là con đường trải nhựa rộng thênh thang. Mừng vì sự đổi thay, sự đi lên của đất nước, của Thủ đô, nhưng tôi bỗng thấy xốn xang đến lạ.
Dạo đó, tôi đang học lớp 4, một hôm mẹ tôi phấn khởi khoe “Gia đình mình sắp có nhà riêng rồi nhé! Không phải đi ở nhờ nữa, bố mẹ và các con sẽ không phải xa nhau nữa”.
Đó là một ngôi nhà cấp 4 chỉ vẻn vẹn có 12m2 và thêm một chút sân trống phía trước. Nhà tôi chật lắm, chỉ kê được 1 cái giường đôi, 1 cái tủ quần áo và 1 tủ sách bé tý tẹo, phía trên sẽ đặt chiếc tivi đen trắng. Cạnh đó là chiếc bàn nhôm có 6 ghế nhôm bé như những chiếc ghế nhựa của mấy bà bán nước vỉa hè bây giờ. Khi nào không ngồi, lại nhét cả 6 chiếc vào gầm bàn. Chưa có nhà bếp, nhà tắm, còn nhà vệ sinh thì phải đi cách đó hơn 500 mét. Bố tôi là người khéo tay và cũng là người có óc sáng tạo. Ông mua cót ép, giấy dầu về để làm nhà bếp. Nhà bếp cũng nhỏ nhỏ xinh xinh. Ông làm một cái xích tông. Phía trên để hai cái bếp dầu, phía dưới là gầm đặt can dầu hoả. Ông đóng một cái chạn nhỏ, để bát đũa, thức ăn. Cạnh đó là chỗ đặt vài cái xô, chậu. Cạnh nhà bếp, ông dựng một nhà tắm cũng bằng cót ép nhưng không mái. Chẳng thế mà hôm nào trời mưa, cả nhà cũng nhịn tắm luôn.
Lại nói về góc học tập của tôi. Bố tôi đóng cho một chiếc bàn… treo. Mặt bàn là một mảnh gỗ to gấp đôi cái bàn phím vi tính bây giờ. Bàn không có chân mà được treo sát tường. Khi nào học, tôi sẽ lật nó ra và có một cái giá đỡ cũng được bố tôi đóng sát vào tường. Bố tôi đóng mấy cái giá sách treo trên tường, để xung quanh nhà, chỗ nào có thể để được là ông lại treo giá sách ở đó.
Nói thêm về đồ dùng trong gia đình tôi. Vì bố tôi là người khéo tay, nên hầu như tất cả mọi thứ đều do bố tôi “ chế tạo”: tủ quần áo, cái bàn học của tôi, giá sách, bàn ghế gỗ, chạn bếp, xô, chậu, quang gánh, móc gánh, mắc áo. À, ngày đó, mắc áo chưa bày bán nhiều như bây giờ, tôi thấy nhà nào phơi quần áo cũng chỉ toàn vắt lên dây và cặp lại. Nhưng như thế sẽ rất tốn diện tích. Bố tôi chế tạo được khoảng 2 chục chiếc mắc áo, dây phơi bố tôi cũng chăng nhiều và mấy tầng. Tầng cao để phơi quần áo (sẽ dùng một cái que hoặc sào để lấy và treo mắc áo lên dây), tầng thấp để phơi chăn, chiếu… Nhớ nhất là hai chiếc bếp dầu do bố tôi chế tạo. Chiếc bếp to gấp đôi rưỡi cái bếp dầu to đang bày bán ở chợ bây giờ. Nó tròn ung ủng và trông ngộ lắm. Dùng mãi mới phải đổ dầu và lửa lúc nào cũng xanh, cũng to. Ai đến chơi cũng ngắm, cũng hỏi “Đó là hai cái gì?”. Có năm, nhà tôi gói bánh chưng, dùng hai bếp dầu đó mà bánh vẫn dền và xanh lắm.
Giờ đây, tôi đã lập gia đình riêng, đã là mẹ của hai con, có nhà riêng với công trình phụ khép kín, không còn lo “nắng tới mặt, lưng tới đầu”. Dẫu nhà có rộng, có nhiều phòng, nhiều tầng,… nhưng không bao giờ tôi quên ngôi nhà đầu tiên mà gia đình tôi được sống cùng nhau, không phải đi ở nhờ nhà người thân.
Chiều qua, phóng xe qua con đường mà ngày xưa có dãy nhà cấp 4, có tuổi thơ khó khăn một thời, lòng tôi lại nao nao, bồi hồi!
Diệu Thu
TEM VÀNG có phải không nhỉ?
Trả lờiXóaDT có người bố tuyệt vời quá. Nhà báo hụt ơi: Chỉ trỏ chứ không "chỉ chỏ" đâu nhé! hihi
Hì, em cảm ơn anh nhiều nhé! Em vừa sửa lại thành "chỉ trỏ" rồi ạ! Mà sao anh nhanh thế, em vừa post lên đã được đón anh vào đọc rồi!
XóaChị TEM BẠC nhé! Đọc xong mà cứ thấy dưng dưng em à!
Trả lờiXóaDạ có lần mẹ em trêu là "Sao lúc nào cũng thấy Diệu Thu viết bài về bố thế nhỉ!"
XóaLâu rồi mới ghé thăm nàng. Những dòng viết thật cảm động!
Trả lờiXóaNàng luôn vui nhé...!
Cảm ơn nàng nhé
XóaKỉ niệm về gia đình luôn ấm áp trong trái tim ta!
Trả lờiXóaChúc em luôn có những hòai niệm sâu sắc:)
Dạ em cảm ơn chị ạ!
Xóa" Bố, bố là tất cả, bố ơi bố ơi..
Trả lờiXóaBố, bố là tất cả, bố ơi bố ơi...
Bố, bố là tất cả, bố ơi bố ơi...
nhưng khi bố mệt, bố là bố thôi"
-------------
Những kỷ niệm tuyệt vời Pink à
Bài hát đó rất hay và tình cảm. Em cũng rất thích
XóaHB qua thăm Pink nè! Nhà Pink ngày càng đẹp ra nha!
Trả lờiXóaChúc Pink đầu tuần nhiều dự tính mới và vui vẻ!
Nhà Pink vẫn thế mà HB
XóaEntry rất cảm xúc em à!
Trả lờiXóaDạ!
XóaMình cảm nhận thấy ngày của cha của Thu rất vui và hạnh phúc!
Trả lờiXóaEm Pink cảm ơn anh nhiều nhé
Xóa